Cấu trúc da là phần QUAN TRỌNG NHẤT khi các bạn bước chân vào ngành Da liễu thẩm mỹ!
Nhưng, lại được dạy sơ sài nhất, nhiều bạn có khi còn không cả biết cấu trúc da như thế nào?
Các bạn chỉ chăm chăm đi học kỹ thuật trị mụn, trị nám, lăn kim . . .
Nhưng không hiểu tại sao lại làm như vậy, tại sao điều trị mụn lại dùng cái đó, tại sao điều trị nám lại dùng cái kia, không hiểu lúc nào thì lăn kim, lúc nào phi kim, lúc nào peel da, cũng không biết được là “người thầy” của mình dạy có đúng không?
Vậy nên mới có “soi da thấy vi khuẩn, demodex” “soi da thấy corticoid, thủy ngân” hay “công nghệ thải chì” . . . (Mình khuyên thật, bạn nào vẫn đang đi dạy học viên của mình những cái này, thì nên xem lại kiến thức của mình đi nhé!).
Tất cả, vì các bạn không có gốc.
Trong seri bài này Bs Tiến sẽ chia sẻ với các bạn về Cấu trúc da thực sự nó sẽ như thế nào!
Bắt đầu:
Da của chúng ta sẽ được chia làm 3 phần: Từ ngoài vào trong:
- Thượng bì (epidermis): Nhiều tài liệu của nước ngoài hoặc được dịch lại sẽ gọi phần này là Biểu bì.
- Trung bì (dermis): Nhiều tài liệu của nước ngoài hoặc được dịch lại sẽ gọi phần này là Hạ bì.
- Hạ bì (hypodermis): Nhiều tài liệu của nước ngoài hoặc được dịch lại sẽ gọi phần này là Lớp dưới da.
Trong phần 1 này chúng ta sẽ tìm hiểu sâu về thượng bì:
Thượng bì – Biểu bì:
Đây là phần ngoài cùng của da, đóng vai trò hàng rào bảo vệ da! Là phần cực kỳ quan trọng của da, nếu bị tàn phá sẽ dẫn đến tình trạng da mỏng, đỏ, yếu và các bệnh lý liên quan đến thượng bì có thể kể đến:
– Trứng cá
– Các tình trạng rối loạn sắc tố: tăng sắc tố (nám, tàn nhang, thâm . . .), mất sắc tố
– Các nếp nhăn li ti
– Dầy sừng, thô ráp
– Da mỏng, đỏ, yếu, giãn mao mạch
Thượng bì chứa 80 – 95% là tế bào Keratin và có độ dày 0,4 – 1,5mm
Phần thượng bì sẽ có 5 lớp: từ dưới lên trên
Lớp đáy: chứa tế bào Melanocyte (tế bào sắc tố), tế bào gốc (sản sinh ra tế bào sừng Keratinocyte). Mọi tổn thương đi qua lớp đáy đều để lại sẹo (hãy ghi nhớ điều này).
Lớp gai: chứa các tế bào Keratinocyte trong giai đoạn sản xuất chất sừng Keratin (sừng hóa) và các tế bào LangerHands (Tế bào miễn dịch)
Lớp hạt:
Các tế bào Keratinocyte sau khi rời khỏi lớp gai, sẽ di chuyển lên lớp hạt và được chứa trong các hạt Keratohyalin. Các tế bào Keratinocyte khi rời khỏi lớp gai sẽ chết đi.
Các hạt Keratohyalin này sẽ chứa (Keratinocyte + Lipids + Các yếu tố dưỡng ẩm tự nhiên NMF).
Lớp sáng: chỉ gặp ở lòng bàn tay, lòng bàn chân.
Lớp sừng: Đây là lớp mà ngoài cùng, phần mà chúng ta sờ thấy.
Các Keratohyalin di chuyển lên lớp sừng và vỡ ra giải phóng các lá sừng Keratin + Lipids (50% Ceramide) + NMF (có thể kể đến: HA, Urea, Ceramide, Glycerin, Acid lactic . . .)
Các lá sừng keratin lúc này hoàn toàn mất nhân và trở thành tế bào chết (cornocytes).
Các lá sừng Keratin xếp chồng lên nhau từ 15 – 30 lớp tùy vị trí, được liên kết với nhau bởi các Desmosomes (Thể liên kết) và lớp màng Hydrolipid (NMF + Lipids).
Lớp màng Hydrolipid với vai trò cực quan trọng trong việc giữ ẩm cho da và chống nước. Việc tổn thương lớp màng này sẽ làm da bị khô, tổn thương.
Chính vì vậy, khi phục hồi da là tái tạo lại lớp màng này cho da.
Lớp màng Acid Malte: Bao phủ bên ngoài lớp sừng là lớp màng Acid Mantle, được tạo thành từ mồ hôi và bã nhờn. Đây chính là lớp màng làm cho pH của da là 4,5 – 5,5.
Lớp màng Acid này sẽ có tác dụng giữ ẩm cho da và ngăn ngừa các vi khuẩn có hại xâm nhập vào trong da.
Các yếu tố làm biến đổi lớp màng Acid: sử dụng xà phòng, chất tẩy rửa, các sản phẩm có khả năng lột tẩy mạnh. Có thể kể đến: sữa rửa mặt có độ pH cao, sữa rửa mặt chứa xà phòng, cồn, rượu . . .
Khi lớp màng Acid này bị tổn thương, da sẽ bị khô hơn và dễ bị viêm nhiễm hơn.
Trên đây là phần thượng bì, chúng ta sẽ tìm hiểu các phần khác ở các bài tiếp theo.